Chủ nghĩa trọng tiền và trường phái Chicago Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Những chính sách can thiệp tài khóa và tiền tệ mà kinh tế học chính thống hậu chiến khuyến khích bắt đầu bị chỉ trích đặc biệt bởi một nhóm các lý thuyết gia ở Đại học Chicago, sau này sẽ trở thành trường phái Chicago. Khuynh hướng tư duy bảo thủ hơn này nhắc lại quan điểm tự do trước đó về hoạt động thị trường, rằng tốt nhất là để tất có mọi người tự do hành động trong nền kinh tế.

Ronald Coase

Ronald Coase (s. năm 1910) là nhà phân tích kinh tế luật hàng đầu và là người đoạt giải Nobel Kinh tế học năm 1991. Bài báo lớn đầu tiên của ông, The Nature of the Firm (1937, Bản chất của doanh nghiệp), tranh luận rằng lý do cho sự tồn tại của các doanh nghiệp chính là bởi vẫn còn chi phí giao dịch. Các cá nhân duy lý trao đổi với nhau thông qua các giao dịch hợp đồng song phương trên các thị trường mở cho tới khi chi phí giao dịch khiến sử dụng các công ty để sản xuất ra hàng hóa tiết kiệm chi phí hơn. Bài báo lớn thứ hai của ông, The Problem of Social Cost (1960, Vấn đề chi phí xã hội), lập luận rằng nếu chúng ta sống trong một thế giới không có chi phí giao dịch, mọi người sẽ thương lượng với nhau để tạo ra sự tập hợp nguồn lực giống nhau, dù cho một tòa án có phán quyết thế nào về những tranh cãi tài sản. Coase sử dụng một ví dụ pháp lý cũ về vụ án Sturges kiện Bridgman, khi một người làm bánh ồn ào và một bác sĩ yên tĩnh là hàng xóm lôi nhau ra tòa để xem ai phải chuyển nhà đi. [85] Coase nói dù quan tòa có phán quyết người thợ làm bánh phải ngưng máy móc của ông ta, hay bác sĩ phải chấp nhận, họ có thể cùng nhau có một thỏa thuận cùng có lợi xem ai sẽ chuyển đi với kết quả phân bổ nguồn lực cuối cùng là như nhau. Chỉ vì sự tồn tại của chi phí giao dịch nên điều này không thể diễn ra.[86] Vì vậy luật pháp phải tiên liệu trước điều gì sẽ xảy ra và được hướng dẫn bởi những giải pháp hiệu quả nhất về mặt kinh tế. Ý tưởng là luật pháp và quy định không quan trọng bằng hoặc không hiệu quả trong việc hỗ trợ cho mọi người như các luật sư và những nhà hoạch định kế hoạch của chính quyền vẫn tin tưởng.[87] Coase và những người giống ông muốn một sự thay đổi trong cách tiếp cận, trong đó xem xét việc can thiệp của chính phủ vào thị trường dựa trên phân tích chi phí của hành động can thiệp.[88]

Milton Friedman

Milton Friedman.

Milton Friedman (1912–2006) là một trong những kinh tế gia có ảnh hưởng lớn nhất vào cuối thế kỷ 20. Ông giành giải Nobel kinh tế học năm 1976 vì nhiều đóng góp, trong đó có tác phẩm A Monetary History of the United States (1963, Một lịch sử tiền tệ của nước Mỹ). Friedman cho rằng cuộc đại khủng hoảng là do những chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ vào những năm 1920, và trở nên tồi tệ hơn vào những năm 1930. Friedman tranh luận rằng chính sách tự do của chính phủ là có ích hơn việc can thiệp vào nền kinh tế. Chính phủ nên nhắm tới một chính sách tiền tệ trung lập hướng đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, bằng cách mở rộng dần cung tiền. Ông ủng hộ thuyết số lượng tiền tệ, theo đó giá cả chung được quyết định qua lượng cung tiền. Do đó chính sách tiền tệ (chẳng hạn như tín dụng dễ dãi) hay tài khóa (thuế và chi tiêu) tích cực có thể có những hệ quả tiêu cực không mong muốn. Trong tác phẩm Capitalism and Freedom (1967, Chủ nghĩa tự bản và tự do), Friedman viết:

Nhiều khả năng sẽ có độ trễ giữa yêu cầu cần phải hành động và việc chính phủ nhận thức được yêu cầu đó; một độ trễ nữa giữa nhận thức về yêu cầu phải hành động và hành động thực sự; và vẫn còn độ trễ nữa giữa hành động và hiệu quả của nó.[89]

Friedman cũng nổi tiếng với tác phẩm của ông về chức năng của tiêu dùng, học thuyết thu nhập ổn định (1957) là điều mà chính Friedman coi là công trình khoa học xuất sắc nhất của ông.[90] Học thuyết này cho rằng những người tiêu dùng duy lý sẽ chi tiêu một phần những gì họ chờ đợi sẽ nhận được trong thu nhập ổn định của họ. Trong khi những khoản thu bất ngờ sẽ được tiết kiệm. Các khoản giảm thuế là như thế, do những người tiêu dùng duy lý sẽ tiên đoán rằng thuế sẽ tăng sau đó để cân bằng chi tiêu công. Những đóng góp quan trọng khác của ông bao gồm việc phê bình đường cong Phillips và khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên (1968). Sự phê bình này gắn tên tuổi ông với quan điểm rằng một chính quyền tạo ra lạm phát cao hơn không chắc đã có thể giảm được thất nghiệp một cách ổn định. Thất nghiệp tạm thời có thể giảm xuống, nếu lạm phát là một bất ngờ, nhưng trong dài hạn, thất nghiệp sẽ được xác định bởi những yếu tố khác trên thị trường lao động.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...